Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

"Quy định kinh doanh đang chặn dân doanh, mở cửa cho "quan doanh"

-"Quy định kinh doanh đang chặn dân doanh, mở cửa cho "quan doanh"

(DT) "Các quy định kinh doanh hiện nay đang “chặn” các doanh nghiệp dân doanh, và mở cửa cho các doanh nghiệp “quan doanh”. Mặc dù một số quan chức không được kinh doanh nhưng họ có sân sau, nên tha hồ kinh doanh", ông Trương Thanh Đức nói.

Tại buổi tọa đàm "Ngày Doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh” do Bizlive tổ chức sáng 11/10, ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết: "Tôi chuyên đi tư vấn về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhưng động đến thủ tục hành chính nào cũng “chết”.

Theo vị luật sư này, các rào cản hành chính hiện nay rất lẫn lộn với rào cản kinh doanh. Dù chính sách là không quan trọng các doanh nghiệp tự sản xuất hay thuê ngoài, miễn là đáp ứng được các tiêu chuẩn nhưng muốn thỏa mãn được điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp lại phải qua nhiều thủ tục hành chính.

"Làm tù mù nhất là pháp lý, còn các thủ tục hành chính hiện nay rất nhiều. Thủ tục hành chính của chúng ta chỉ có một nghị định nhưng các Bộ “vẽ” ra các thủ tục, làm bộ luật cho Quốc hội. Các quy định kinh doanh hiện nay đang “chặn” các doanh nghiệp dân doanh, và mở cửa cho các doanh nghiệp “quan doanh”. Mặc dù một số quan chức không được kinh doanh nhưng họ có sân sau, nên tha hồ kinh doanh", ông Đức nói.

Trước phát biểu trên về các rào cản kinh doanh, ông Đức có nói tới trường hợp Thông tư 20 quy định về những điều kiện nhập khẩu ô tô.

"Vừa rồi, Bộ Giao thông Vận tải đã có vài dự thảo để thay thế Thông tư 20, nhưng những dự thảo này có xu hướng giống Thông tư 20, thậm chí quản chặt hơn việc nhập ô tô với quan điểm bảo vệ người tiêu dùng. Doanh nghiệp họ cũng phản ánh là không thấy có sự thay đổi nào cả mà chỉ thấy đang chuyển Thông tư 20 thành Thông tư 21 và Thông tư 21 thì chẳng dễ thở hơn Thông tư 20 một chút nào", ông nói.

Với trường hợp Thông tư 20, ông Đức cho rằng, với lý do quản chặt nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng là không hợp lý. "Ô tô không phải là thực phẩm, ăn vào là chết mà loại sản phẩm này có chứng nhận của nhà sản xuất, nhiều loại giấy tờ chứng nhận đi kèm, không “mượn” nhà nước lo thay lo hộ. Người tiêu dùng đủ thông minh để lựa chọn những gì họ cần, họ muốn và của họ", ông nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: "Có một số lĩnh vực cần điều kiện kinh doanh. Ví dụ như Thông tư 20 gắn với thương mại quốc tế nên có hai góc nhìn về rào cản. Thứ nhất là để bảo hộ thông qua áp thuế cao, hạn ngạch. Thứ hai là bảo hộ bằng cách dùng các biện pháp kỹ thuật, quy định rõ ràng".

Theo ông Thành, việc áp dụng kỹ thuật là nhằm ba mục đích: Đảm bảo sức khỏe an toàn con người; đảm bảo an ninh quốc gia và cuối cùng là bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp kỹ thuật này phải chứng minh về mặt khoa học là hợp lý.

"Tuy nhiên, hiện nay có nhiều quốc gia do bảo hộ chính thống giảm dần nên dùng quy trình hành chính để bảo hộ. Về cơ bản, như vậy không vi phạm cam kết quốc tế. Việt Nam đang sử dụng biện pháp này. Nhưng với Thông tư 20 thì chúng ta lại không giải trình được mục đích, bởi nếu muốn bảo hộ phát triển ngành ô tô phải nêu rõ là bảo hộ. Bảo hộ thì sẽ có những hạn chế như ít doanh nghiệp có thể tham gia", ông nói.

Ông cũng nói thêm rằng: "Hiện nay, dựa trên tiêu chuẩn đặt ra rào cản kỹ thuật dành cho ngành nhập khẩu ô tô thì chúng ta đang không chứng minh được mục đích khi đặt ra rào cản. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa rào cản bảo hộ và kỹ thuật, thiếu giải trình về lý do đặt điều kiện. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự sáng tạo của doanh nghiệp, thị trường bị đè nén và tạo điều kiện cho nhiều đối tượng trục lợi".

Liên quan tới Thông tư 20, trước đó, phát biểu tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp ngành công thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Thông tư 20 không phải điều kiện đầu tư kinh doanh và việc Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ Thông tư 20 là vì bất hợp lý chứ không phải do văn bản bất hợp pháp.

Việc tới nay văn bản này vẫn còn hiệu lực được Thứ trưởng lý giải là do Thông tư 19/2012 của Bộ Giao thông Vận tải đã được bãi bỏ theo Luật Đầu tư 2014, trong tình huống này không còn văn bản nào quy định trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe của thương nhân nhập khẩu.

“Chúng ta đang ở trong vùng trũng chính sách, trong tình huống này Thông tư 20 là điều kiện duy nhất ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng”, lãnh đạo Công Thương nói.

Phương Dung >> Quyết tâm "làm sạch" môi trường kinh doanh của Thủ tướng gặp rào cản ở cấp dưới
>> Công chức tạo ra rào cản, gây khó dễ để vụ lợi-

Tổng số lượt xem trang